Ông Nguyễn Danh Thuận là chủ DN chuyên phân phối sản phẩm hội nghị truyền hình. Thế nên khi dịch Covid-19 xảy đến, nhiều người quen biết đã nói rằng đây là mảnh đất màu mỡ cho Ademax phát triển. Tuy nhiên ông Thuận khẳng định rằng: Không hẳn thế!
Ông Nguyễn Danh Thuận - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ademax (Ademax)
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ademax (Ademax) Nguyễn Danh Thuận cho rằng, trong bối cảnh các đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đối với giải pháp hội nghị truyền hình thì khi dịch Covid-19 xảy đến, đây sẽ là cơ hội cho Ademax truyền thông và tiếp cận doanh nghiệp, cũng là cơ hội để các nhà quản trị dễ tiếp nhận giải pháp của Ademax hơn mà thôi.
Bởi bên cạnh số ít doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt đã đầu tư giải pháp hội nghị truyền hình, thì đa số doanh nghiệp đều chịu sự tác động hết sức tiêu cực, nặng nề khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Trong đó có những nhóm ngành đang rơi vào tình trạng “ngủ đông” trong suốt mấy tháng qua thì việc ưu tiên đầu tư hội nghị truyền hình trong bối cảnh này là điều họ chưa thể nghĩ tới.
Chấp nhận khó khăn để “đón đầu” cơ hội
Được biết năm 2008 ông đã bắt đầu phân phối sản phẩm hội nghị truyền hình trong bối cảnh người dùng vẫn chưa quen với hình thức này. Với những khó khăn đó, vì sao ông vẫn chọn lĩnh vực này để khởi nghiệp?
Tại thời điểm đó, ứng dụng CNTT nói chung và ứng dụng hội nghị truyền hình nói riêng còn hết sức mới mẻ với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hoạt động với mô hình kinh doanh cũ, tự phát, thiếu kinh nghiệm quản lý quản trị, thiếu nền tảng công nghệ hỗ trợ… vì vậy, năng suất thấp, hiệu quả không cao.
Với vị thế là một doanh nghiệp CNTT non trẻ, Ademax tự nhận thức được vai trò và sứ mệnh của mình, dám đương đầu với thách thức, đi trước đón đầu và tự tin vào một thị trường tiềm năng trong tương lai vì những giải pháp về CNTT cũng như Hội nghị truyền hình sẽ là những nền tảng công nghệ thiết yếu đối với các tổ chức và doanh nghiệp trong tương lai.
- Ông có thể chia sẻ về những giai đoạn lúc khởi nghiệp mà ông cảm thấy khó khăn nhất?
Rất nhiều khó khăn đặt ra với Ademax. Về phía các hãng công nghệ hàng đầu thế giới, họ không đánh giá cao thị trường Việt Nam, một thị trường vẫn còn sơ khai, nhỏ lẻ và chưa tiềm năng, vì vậy họ không đầu tư, tập trung để đồng hành với Ademax trong việc khai phá và phát triển thị trường.
Về phía Ademax, chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm về chuyên môn, giải pháp, kỹ thuật cũng như những hiểu biết về thị trường, chưa xác định đâu là thị trường mục tiêu, đâu là chân dung khách hàng mục tiêu. Chúng tôi cũng không có những kế thừa từ những doanh nghiệp đi trước. Và Ademax phải tự học, tự tìm hiểu và tự phát triển.
Về phía thị trường, các tổ chức và các doanh nghiệp chưa ý thức và chưa chú trọng đầu tư cho CNTT nói chúng và hội nghị truyền hình nói riêng. Đây là thách thức lớn khi chúng tôi vừa phải học hỏi, tìm hiểu, nghiên cứu, vừa phải tiếp cận, chia sẻ, trao đổi, thuyết phục và cam kết về tính hiệu quả của những giải pháp mà chúng tôi tư vấn.
- Vậy điều gì đã giúp ông vượt qua được khó khăn đó?
Ademax chúng tôi tin tưởng vào tầm nhìn, sứ mệnh và chiến lược của mình rằng Ademax là đơn vị tiên phong nghiên cứu, xây dựng các giải pháp hội nghị truyền hình, tích hợp giải pháp AV và CNTT tiến tiến nhất để tư vấn, cung cấp và phổ cập cho các tổ chức và doanh nghiệp Việt cũng như trong khu vực.
Ademax chúng tôi cũng tin tưởng, những giải pháp AV tích hợp và CNTT mà Ademax nghiên cứu, xây dựng, phát triển và cung cấp, sẽ mang lại những giá trị đột biến cho các tổ chức và doanh nghiệp, mang lại sự thịnh vượng, thành công cho các bên tham gia, từ đó, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Công nghệ giúp doanh nghiệp dễ dàng đối phó trước đại dịch Covid 19
- Quay trở lại với các giải pháp mà Ademax đang phân phối phục vụ cho phương thức làm việc linh hoạt. Theo ông, hội nghị trực tuyến sẽ có những ưu điểm gì đối doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã chọn phương thức hội nghị trực tuyến để đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay?
Chúng ta đang trong thời kỳ số hóa, Chính phủ đang khuyến khích và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, điều đó hết sức thuận lợi cho các tổ chức và doanh nghiệp trong công tác ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, quản trị của mình.
Việc ứng dụng hội nghị trực tuyến, AV tích hợp, CNTT sẽ giúp cho doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh cũ sang mô hình kinh doanh mới. Công nghệ sẽ giúp cho các doanh nghiệp định nghĩa lại không gian làm việc tức là làm việc ở mọi nơi, mọi lúc. Công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh và tiếp cận nền kinh tế toàn cầu, cụ thể là nâng cao được hiệu quả trong công tác quản lý, quản trị, tiết kiệm về chi phí, thời gian và tối ưu hóa được nguồn lực.
Công nghệ cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng đối phó với những thách thức, những biến cố, thậm chí là thảm họa. Cụ thể như hiện tại, chúng ta đang đối đầu với đại dịch Covid 19, những doanh nghiệp đã trang bị những nền tảng công nghệ, đã số hóa doanh nghiệp thì họ có thể làm việc ở bất kỳ đâu, họ cùng làm việc trên những nền tảng, không gian và dữ liệu làm việc là ảo hóa, nhanh, gọn và hiệu quả.
- Tuy nhiên có nhiều giải pháp không đảm bảo được tính bảo mật cho những cuộc họp đó. Giải pháp mà Ademax đang phân phối liệu có tránh được tình trạng trên?
Ademax là nhà nghiên cứu, xây dựng và cung cấp giải pháp AV tích hợp hàng đầu Việt Nam. Hiện Ademax cũng là nhà phân phối và đối tác chiến lược của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Cisco, Sony, Samsung, Crestron, Fonestar… Với giải pháp hội nghị trực tuyến, hiện tại Ademax là đối tác chiến lược của Cisco, một trong những hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Các giải pháp hội nghị trực tuyến của Cisco được bảo mật nhiều lớp và sử dụng các công nghệ mã hóa dữ liệu tiên tiến nhất cho toàn bộ các kết nối, các cuộc họp đều được đặt mật khẩu riêng biệt.
Bên cạnh đó, Cisco được thế giới biết đến với các giải pháp an ninh bảo mật hàng đầu, nhất là Mỹ là một đất nước rất coi trọng Luật an toàn thông tin mạng. Vì vậy, tính an ninh bảo mật trong giải pháp hội nghị trực tuyến của Cisco luôn là nhiệm vụ tối cao và trong lịch sử phát triển. Cisco chưa bao giờ để khách hàng phải thất vọng về vấn đề này.
- Hiện có nhiều ông lớn trong làng công nghệ cũng đã tung ra thị trường phần mềm họp trực tuyến như Microsoft với phần mềm Microsoft Teams, Google với Google Hangouts Meet… Vậy giải pháp hội nghị trực tuyến từ các doanh nghiệp mà Ademax đang cung cấp có điểm gì khác biệt để có thể cạnh tranh với họ?
Giải pháp họp trực tuyến mà Ademax đang cung cấp là giải pháp hội nghị trực tuyến Cisco. Với Cisco, khách hàng có hai sự lựa chọn, thứ nhất khách hàng có thể trang bị nền tảng hệ thống hội nghị trực tuyến riêng biệt, với hệ thống phần mềm, máy chủ và hạ tầng mạng riêng, khách hàng tự vận hành và quản lý.
Thứ hai, khách hàng có thể lựa chọn giải pháp dịch vụ dạng thuê bao, đây là nền tảng giải pháp mà Cisco xây dựng dựa trên nền điện toán đám mây của chính Cisco, bảo trì, phát triển, không ngừng hoàn thiện hệ thống dịch vụ và cung cấp cho người dùng. Không chỉ dừng ở đó, hai hệ thống này có thể tích hợp với nhau, bổ sung cho nhau và chuyển dịch sang nhau.
Giải pháp về hội nghị trực tuyến mà Ademax cung cấp là giải pháp tổng thể vì Ademax là nhà tích hợp giải pháp AV số một Việt Nam, có đội ngũ kỹ sư cấp quốc tế. Cụ thể, trong một giải pháp hội nghị trực tuyến hoàn chỉnh, cung cấp tới khách hàng, các thành phần ngoại vi như hệ thống âm thanh, hệ thống hiển thị, hệ thống truyền dẫn và điều khiển đều được Ademax chú trọng và xây dựng hoàn thiện. Ademax cung cấp một giải pháp tổng thể, tùy biến đến từng khách hàng riêng biệt, ngay cả những ngành nghề có những đặc thù khác nhau cũng là yếu tố được Ademax đưa vào trong quá trình xây dựng giải pháp, chú trọng đến trải nghiệm người dùng và đem lại hiệu quả cao cho khách hàng.
Chủ động tiếp cận giải pháp về chuyển đổi số sẽ sớm tạo sự khác biệt
- Làm việc linh hoạt hay còn gọi là làm việc từ xa là một giải pháp có nhiều ưu điểm như giúp cân bằng cuộc sống cá nhân một cách hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển… Tuy nhiên cách làm việc này cũng có mặt hạn chế là gây khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động và tiến độ phát triển của từng người, từng bộ phận. Là người phân phối các giải pháp phục vụ cho phương thức làm việc linh hoạt, ông đánh giá như thế nào về nhận xét trên?
Chúng ta đang trong định hướng chuyển đổi số, số hóa chính phủ, số hóa doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp thực sự chuyển đổi số, tức là lúc đó ta định nghĩa lại không gian làm việc, thay đổi phương thức quản lý quản trị. Lúc đó, chúng ta có thể làm việc mọi nơi, mọi lúc, quản lý nhân sự bằng hiệu quả thông qua các nền tảng quản lý, quản trị mới như các nền tảng ERP, CRM, HNTH…. Việc này đòi hỏi người lãnh đạo cần thay đổi hệ tư tưởng, chủ động học tập, tiếp cận với phương thức mới, bớt cảm tính và hướng đến tự động hóa doanh nghiệp.
Với sự đầu tư hạ tầng, nền tảng CNTT, thay đổi phương thức quản lý, quản trị, thay đổi không gian làm việc thì vấn đề kiểm soát hoạt động, tiến độ phát triển cũng như hiệu quả của từng người, từng bộ phận không phải sẽ gặp những khó khăn, hạn chế mà sẽ giúp tổ chức doanh nghiệp mềm dẻo trong công tác quản lý hơn, khoa học trong công tác vận hành hơn, mọi hoạt động đều được cập nhật, đồng bộ, thống kê phân tích một cách liên tục. Khâu theo dõi, đánh giá cũng bớt cảm tính, căn cứ vào dữ liệu, giảm thời gian trình báo, thủ tục rườm rà, tiết kiệm chi phí và đem lại hiệu quả cao.
- Theo ông, phương thức làm việc linh hoạt sẽ phát triển như thế nào trong thời gian tới?
Mô hình kinh doanh cũ sẽ thay đổi bằng mô hình kinh doanh mới. Tri thức quản lý quản trị sẽ lên ngôi, các giải pháp CNTT, các giải pháp về chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ phổ cập trong các doanh nghiệp trong khoảng 2 đến 3 năm tới. Những tổ chức và doanh nghiệp nào càng nhìn nhận sớm và chủ động tiếp cận cũng như trang bị cho mình những nền tảng trên thì tôi tin rằng tổ chức và doanh nghiệp đó sẽ tạo ưu thế, khác biệt trong thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: thuonggiaonline.vn