Từ nhiều năm nay, các nhà bình luận đã đề cập đến một sự chuyển dịch sang mô hình làm việc từ xa ở quy mô lớn, nhưng điều này chưa thực sự xảy ra. Việc dịch chuyển hàng loạt này đã trở nên không khả thi, dường như do cuối cùng không thể vượt qua những trở ngại như công nghệ kém hiệu quả và tình trạng thiếu sự tiếp xúc trực tiếp. Tuy nhiên, những rào cản đối với mô hình làm việc từ xa đột nhiên sụp đổ trong thời kỳ đại dịch. Lệnh đóng cửa và chính sách giãn cách xã hội đẩy một lực lượng ước tính 557 triệu lao động trên toàn thế giới vào hoàn cảnh buộc phải làm việc tại nhà.
Mặc dù đại dịch đang dần bị đẩy lùi, có rất ít dấu hiệu cho thấy các thói quen làm việc sẽ trở lại trạng thái "bình thường" như trước khi xảy ra đại dịch COVID. Đồng thời, tuy mô hình làm việc từ xa vẫn đang là xu hướng, nhưng có thể sẽ không theo cùng một cách.
Một số tổ chức không mặn mà với mô hình làm việc từ xa như các tổ chức khác. Ngoài ra, dù một số nhân viên không muốn quay lại văn phòng, những người khác lại thấy làm việc tại nhà toàn thời gian (mô hình không bao giờ hoàn hảo) không phù hợp với mình.
Vậy, tương lai của mô hình làm việc từ xa sẽ như thế nào?
Bao nhiêu phần trăm công việc là làm từ xa?
Nếu là nhân viên văn phòng, bạn có thể nghĩ rằng đôi khi mọi người đều có thể làm việc tại nhà. Chắc chắn là đã có sự dịch chuyển đáng kể sang mô hình làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch.
Ví dụ: Tại Vương quốc Anh, 36% nhân viên thực hiện một số công việc tại nhà vào năm 2020 - tăng 9% so với năm 2019. Tại Hoa Kỳ, 36% nhân viên cho biết họ đã làm một số công việc từ xa do ảnh hưởng của đại dịch, trong khi trước đó chỉ 7% nhân viên có thể thường xuyên làm việc tại nhà.
Nhưng đó là trong lĩnh vực đặc thù. Những người làm trong ngành dịch vụ như nhân viên làm việc tại siêu thị, thợ làm tóc, thợ điện và y tá thì không có lựa chọn làm việc từ xa. Ngoài ra, một cuộc khảo sát các cấp điều hành thuộc danh sách Fortune 500 tiết lộ tình trạng này có thể sẽ tiếp tục diễn ra.
Ví dụ: chỉ 15% người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe muốn làm việc từ xa toàn thời gian thời kỳ hậu đại dịch, con số này tăng lên 40% đối với nhân viên trong ngành CNTT. Do đó, những công ty có nhân viên quay lại văn phòng, tiếp tục làm việc từ xa hoặc làm việc ở tuyến đầu phải đối mặt với thách thức củng cố lại sự kết nối văn hóa giữa các đội ngũ khác nhau này.
Mô hình làm việc từ xa có tiếp tục trong năm 2022 không?
Không thể nói chắc chắn điều gì sẽ xảy ra trong năm tới, nhưng những bước đi mà các tổ chức đang thực hiện sẽ cho chúng ta hình dung về những gì sắp diễn ra. Một số tổ chức danh tiếng nhiệt tình áp dụng mô hình làm việc từ xa và ưa chuộng đến mức đặt mô hình này ở chế độ mặc định.
- Công ty bảo hiểm Hoa Kỳ công bố kế hoạch giảm 20 văn phòng xuống còn 4
- Năm 2020, Shopify thông báo họ là "công ty kỹ thuật số theo mặc định" và hầu hết nhân viên của họ sẽ làm việc từ xa vĩnh viễn
- Dropbox đang trở thành công ty ưu tiên làm việc trực tuyến, với chế độ mặc định là làm việc từ xa
- LinkedIn cho phép nhân viên chọn hình thức làm việc từ xa toàn thời gian hoặc làm việc kết hợp
Nhưng không phải ai cũng cảm thấy hài lòng về việc này. Tổng Giám đốc của Goldman Sachs - David Solomon - mô tả mô hình làm việc tại nhà là “sự lệch lạc mà chúng tôi sẽ chỉnh sửa trong thời gian sớm nhất có thể”. Đồng thời, đã có báo cáo về việc công chức Anh bị cắt lương nếu họ không quay trở lại văn phòng.
Văn hóa công ty là động lực then chốt đối với các tổ chức đang tìm cách đưa người lao động trở lại làm việc trong phần lớn thời gian tại công ty. Người ta lo ngại mô hình làm việc từ xa đơn giản là không phù hợp với đặc tính của những môi trường làm việc này. Cũng có quan ngại rằng những người lao động mới, trẻ hơn sẽ đánh mất quá trình học việc mà hầu như không thể lấy lại được.
Và mặc dù có bằng chứng cho thấy điều ngược lại, chúng ta vẫn ngầm cảm thấy nhà lãnh đạo doanh nghiệp không tin tưởng nhân viên làm việc từ xa cũng như lo lắng về năng suất chung.
Tuy nhiên, những tổ chức áp dụng mô hình làm việc từ xa hoàn toàn lại hi vọng sẽ được hưởng những lợi ích tiềm năng - tuyển dụng từ nguồn nhân tài rộng lớn hơn, hoạt động có tính bền vững hơn và không phải duy trì nhiều địa điểm làm việc.
Mọi người có làm việc từ xa trong tương lai không?
Tuy số người có thể làm việc từ xa tăng lên, nhưng không có nghĩa là mô hình này dành cho tất cả mọi người. Lý do là vì một số công việc không thể thực hiện được bằng cách trực tuyến, chẳng hạn như việc liên quan đến máy móc chuyên dụng hoặc cần tiếp xúc cá nhân trực tiếp.
McKinsey cho biết: "Tiềm năng của mô hình làm việc từ xa tập trung nhiều ở người lao động có kỹ năng, trình độ học vấn cao trong một số ngành nghề và khu vực địa lý."
Khả năng mọi người có làm việc từ xa hay không cũng liên quan đáng kể đến thu nhập. Những gia đình có thu nhập thấp hơn sẽ ít có khả năng chuyển sang hình thức làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch hơn. Và ở quy mô lớn hơn, tỷ lệ người dân làm việc tại nhà cũng có khả năng cao hơn ở những quốc gia có thu nhập tốt hơn. Theo ước tính, 25% người dân làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch là ở các nước có thu nhập cao so với con số 13% ở các nước có thu nhập thấp hơn.
Xu hướng làm việc từ xa trong tương lai
Đối với đa số các công ty, tương lai này có thể sẽ liên quan đến khả năng tìm ra cách trung hòa giữa mô hình chỉ làm việc trực tuyến và thói quen trở lại văn phòng 5 ngày một tuần. Khi PwC hỏi các công ty, họ nhận thấy rằng dù chưa đến 1/5 cấp điều hành muốn quay trở lại hình thức làm việc tại văn phòng như trước khi xảy ra đại dịch Covid, chỉ 13% muốn từ bỏ văn phòng mãi mãi.
Kết quả? "... đa số công ty hướng đến mô hình làm việc kết hợp, trong đó một lượng lớn nhân viên thay phiên nhau đến các văn phòng dành để làm không gian chung".
Với lựa chọn này, tất cả mọi người đều có lợi. Khi mọi người tập trung ở cùng một nơi, ít nhất là trong một số thời điểm, các tổ chức sẽ được hưởng lợi về văn hóa, hoạt động cộng tác và sáng tạo. Khi làm việc từ xa, nhân viên có cơ hội duy trì được sự linh hoạt và không gian để tập trung - và họ thích như vậy.
Dù không mang tính cách mạng như khi tất cả mọi người đều làm việc từ xa toàn thời gian, mô hình làm việc kết hợp trên diện rộng vẫn có khả năng tạo nên những thay đổi to lớn ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Các trung tâm thành phố hiện đang phụ thuộc vào lượng lớn nhân viên đi lại hàng ngày sẽ phải thích nghi với cách làm việc mới này. Khi đó, mạng lưới giao thông sẽ có ít người đi lại hơn.
Và dĩ nhiên, mọi người không còn nhất thiết phải sống gần nơi làm việc nữa, vì mô hình làm việc từ xa và làm việc kết hợp mang đến lựa chọn tốt hơn nhiều về chỗ ở. Tình hình này có thể làm thay đổi các thành phố mãi mãi.
Lợi ích của mô hình làm việc từ xa là gì?
Việc cho phép mọi người làm việc từ xa trong ít nhất một số thời điểm có thể mang đến lợi ích to lớn cho các tổ chức. Sau đây là 5 lợi ích trong số đó.
- Nhân tài
Việc loại bỏ giới hạn về địa lý có nghĩa là các tổ chức có thể tuyển dụng nhân viên ở bất kỳ nơi nào. Họ sẽ có thêm nhiều cơ hội tìm thấy nhân sự phù hợp cho vị trí công việc, bất kể người đó sống ở đâu. Thậm chí, họ có thể tuyển dụng nhân sự ở nước ngoài, nhờ các công cụ cộng tác vượt qua rào cản về múi giờ.
- Tận dụng tối đa không gian làm việc
Khi nhân viên chỉ đến công ty vào một số thời điểm nhất định, người quản lý và cấp lãnh đạo có thể tối đa hóa lợi ích của việc có mặt cùng đội ngũ của mình - bằng cách tận dụng cơ hội này để sắp xếp các cuộc gặp riêng với nhân viên cũng như khuyến khích họ cộng tác và giao lưu.
- Tăng sự đa dạng và hòa nhập
Việc có thể tuyển dụng nhân viên từ bất cứ đâu góp phần phá bỏ các rào cản và tạo điều kiện để các tổ chức tuyển được người phù hợp với công việc, bất kể giới tính hoặc sắc tộc. Trách nhiệm chăm sóc con cái khiến một số cha mẹ không thể làm việc, nhưng trách nhiệm này có thể ít gây trở ngại hơn khi mọi người có thể làm việc từ xa
Nghiên cứu cho thấy mô hình làm việc từ xa mang lại những lợi ích về năng suất. Ngoài ra, khi dành ít thời gian hơn cho việc đi lại và giảm bớt tình trạng bị phân tâm tại nơi làm việc, nhiều nhân viên sẽ cảm thấy mô hình làm việc tại nhà mang lại cho họ thời gian và không gian để tiếp tục công việc một cách tốt đẹp. McKinsey ước tính hơn 20% lực lượng lao động có thể làm việc từ xa trong ít nhất một phần thời gian sẽ làm việc một cách hiệu quả như tại văn phòng.
- Tăng mức độ gắn bó của nhân viên
Cơ hội làm việc từ xa và sự linh hoạt đi kèm là điều mà nhiều nhân viên mong muốn. Theo một khảo sát, 98% nhân viên1 cho biết họ muốn làm việc từ xa ít nhất trong một số khoảng thời gian. Khi có thể lựa chọn, mọi người sẽ cảm thấy kết nối hơn với tổ chức và tăng sự cam kết với công việc.